In mã vạch là gì? Tác dụng của mã vạch với sản phẩm và cuộc sống
In mã vạch và mã vạch là công nghệ nhận diện, chống hàng giả, hàng nhái hữu hiệu nhất hiện nay. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu thêm về công nghệ in mã vạch cũng như các ứng dụng, tác dụng của mã vạch trong cuộc sống hàng ngày thì đừng bỏ qua chia sẻ này của Mã Vạch Tín Việt.
Mã vạch là gì?
Mã vạch (tiếng Anh là Barcode) là một loại hình ảnh đặc biệt, được sử dụng máy in và mực in chuyên dụng để tạo ra. Mã vạch bao gồm các thông tin liên quan tới hàng hóa (đối tượng định danh), được mã hóa thông qua các vạch đen, thẳng đứng và song song nhau, ngăn cách bởi các khoảng trắng và một dãy ký tự (số hoặc chữ số) bên dưới.
Các vạch đen và khoảng trắng trong mã vạch không đều nhau. Nhìn bằng mắt thường sẽ không thể phát hiện ra các thông tin bên trong, chỉ qua máy quét, những thông tin mã hóa này mới hiện ra. Mã vạch được tạo bởi các loại máy in mã vạch chuyên dụng và được thiết lập các thông số riêng, theo từng quy luật với từng loại mã, sản phẩm. Vì thế, các loại máy in thông thường không thể in ra mã vạch.
In mã vạch là gì?
In mã vạch là việc sử dụng máy in chuyên dụng (barcode printer) hay còn gọi là máy in tem nhãn (label printer) kết hợp với mực in mã vạch hoặc giấy cảm nhiệt để tạo ra tem mã vạch.
Xem thêm: Mực in mã vạch là gì? Các loại mực in mã vạch phổ biến hiện nay
Các công nghệ in mã vạch hiện nay
Có bốn phương thức in mã vạch phổ biến nhất hiện nay, đó là:
- In chuyển nhiệt
- In nhiệt trực tiếp
- In laser
- In phun
Mỗi công nghệ in lại sử dụng một cách thức riêng và mã vạch thành phẩm cũng có những đặc điểm, đặc tính khác nhau. Cụ thể:
In chuyển nhiệt:
- Sử dụng mực in mã vạch (ribbon)
- Chi phí cao
- Áp nhiệt từ đầu in lên ribbon mực in, nhiệt độ sẽ làm nóng chảy mực in và chuyển sang giấy in tem nhãn theo những hình, cách thức được xác định trước đó
- Mã vạch in bằng phương pháp này có độ bền cao, chống trầy xước tốt, chống chịu được nước và các dung môi, hóa chất tẩy rửa
In nhiệt trực tiếp:
- Còn gọi là phương pháp in cảm nhiệt, không cần mực in
- Chi phí thấp
- Đầu in nhiệt tác động trực tiếp lên giấy cảm nhiệt, đốt cháy lớp phủ bên trên để tạo ra hình ảnh mã vạch
- In mã vạch bằng phương pháp này thường không bền, nhạy cảm với tia cực tím, dễ ẩm mốc, trầy xước, không chịu được nước
In laser:
- Tiện lợi, nhanh gọn, giá rẻ
- Có thể in được với máy in văn phòng có trang bị tính năng in laser
- Không in được các tem, mã vạch có keo dán phía sau (keo bị nhiệt làm chảy ra sẽ dính giấy, mắc kẹt bên trong máy in)
In phun:
- Ứng dụng cho việc in mã vạch màu
- Sử dụng các đầu in cực nhỏ để phun mực lên giấy in, tạo thành các hình mã vạch
- Đầu in vì quá nhỏ nên thường bị tắc, giấy in cũng dễ bị nhòe nếu ngấm nước
- Thường dùng in tem vỡ, tem bảo hành, cảnh báo…
Cách đọc mã vạch
Ở Việt Nam hiện nay, hầu như toàn bộ các loại hàng hóa, sản phẩm trên thị trường đều đang áp dụng chuẩn mã vạch EAN của Tổ chức mã số vật phẩm quốc tế. Chuẩn mã vạch này gồm 13 ký tự số, được chia làm 4 nhóm. Mỗi nhóm sẽ đảm nhiệm và chịu trách nhiệm mã hóa một thông tin về sản phẩm, cụ thể:
- Nhóm 1: 3 ký tự đầu – Mã quốc gia sản xuất hàng hóa
- Nhóm 2: 6 ký tự tiếp theo – Mã số doanh nghiệp sản xuất (mã này do tổ chức GS1 Việt Nam cấp)
- Nhóm 3: 3 chữ số tiếp theo – Mã sản phẩm (mã này được doanh nghiệp tự quy định)
- Nhóm 4: Chữ số cuối cùng – Số kiểm tra
Ngoài chuẩn mã vạch EAN, còn có các chuẩn khác như UPC, Code 39, Interleaved 2of 5, Codabar và Code 128. Thậm chí có chuẩn còn được phát triển và cải tiến thành nhiều bản khác nhau (UPC-A, UPC-B, UPC-C hay Code 128-A, Code 128-B, Code 128-C…).
Trên đây là những thông tin về mã vạch cũng như các công nghệ in mã vạch phổ biến hiện nay mà Mã Vạch Tín Việt muốn gửi tới các bạn. Nếu cũng đang có nhu cầu sử dụng mã vạch cho công việc của mình thì hy vọng bài chia sẻ này sẽ có ích cho bạn.